Bản sắc An toàn khu

- Vùng An toàn khu (A.T.K) Tuyên Quang được biết đến với những chứng tích lịch sử hào hùng. Giờ đây khi đến với những "địa chỉ đỏ” này, du khách không chỉ được lắng nghe, tìm hiểu về những sự kiện lịch sử của dân tộc mà còn được trải nghiệm những nét đẹp văn hóa riêng biệt của đồng bào miền núi.

Vang vọng những lời ca

Chúng tôi có mặt tại Nhà văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) đúng lúc Đội Văn nghệ hát then, đàn tính của thôn đang luyện tập. Những điệu hát then của những chàng trai, cô gái Tày với làn điệu mượt mà, lời then mộc mạc giàu hình ảnh, gắn với cuộc sống sinh hoạt đời thường. Chị Triệu Thị Lam Hạnh, Đội trưởng Đội Văn nghệ hát then, đàn tính thôn Tân Lập cho biết, trong quá trình luyện tập đội luôn được sự ủng hộ, chỉ bảo của các bậc cao niên trong thôn, trong xã, những người đã có nhiều am hiểu về hát then, về cách chơi đàn. Đến nay Đội đã sưu tập và luyện tập được nhiều làn điệu then, trong đó có nhiều làn điệu then cổ.

Tua trải nghiệm hát Then trên hồ Nà Nưa, xã Tân Trào (Sơn Dương) được đông đảo du khách yêu thích.

Nhiều câu lạc bộ hát Then hoạt động hiệu quả thúc đẩy phát triển du lịch địa phương. Chị Đàm Thanh Hiền, chủ nhiệm Câu lạc bộ hát then đàn tính xã Trung Yên cho biết: "Hầu như ngày nào cũng có khách đặt dịch vụ, vừa dạo trên hồ Nà Nưa bằng thuyền mảng và nghe hát then. Mỗi thành viên chúng tôi luôn cố gắng luyện tập, hoàn thiện mình hơn để có nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc. Với chúng tôi đó là niềm tự hào, niềm vui khi bản sắc quê hương được đón nhận".

Không chỉ ở Sơn Dương, mỗi xã vùng ATK đều thành lập các câu lạc bộ bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình, như Câu lạc bộ hát Páo dung xã Trung Minh (Yên Sơn), Câu lạc bộ gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mông, thôn Quân, xã Hùng Lợi (Yên Sơn). Những lời ca tiếng hát của đồng bào dân tộc mình luôn được bà con nơi đây giữ gìn. Chị Đặng Thị Thoa cho biết: "Dân ca Dao (Páo dung) xuất phát từ cuộc sống và lao động sinh hoạt hàng ngày của đồng bào. Thông qua lời ca người Dao gửi gắm được tất cả các cung bậc tình cảm của con người. Những câu hát trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống. Mình tự hào khi được hát làn điệu văn hóa dân tộc mình".

Nét đẹp văn hóa riêng biệt

Các xã ATK huyện Yên Sơn gồm: Trung Minh, Hùng Lợi, Kim Quan, Trung Sơn, Công Đa, Phú Thịnh, Đạo Viện, Mỹ Bằng chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi dân tộc đều có trang phục thể hiện nét độc đáo, ý nghĩa và sự sáng tạo riêng có của dân tộc mình.

Từ bao năm nay, người Nùng ở Hùng Lợi, Công Đa vẫn luôn tự làm trang phục truyền thống. Không sặc sỡ nhiều màu sắc, trang phục của người Nùng khá đơn giản, thường làm bằng vải thô nhuộm chàm và ít thêu thùa trang trí.

Còn tại huyện Sơn Dương, thì vào ngày thứ 2 đầu tuần và các dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn trong năm trường Phổ thông Dân tộc Nội trú ATK Sơn Dương (Sơn Dương) quy định các em học sinh đều mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nếp sinh hoạt này đã được nhà trường duy trì từ nhiều năm nay, giúp các em hiểu được ý nghĩa của từng bộ trang phục.

Du khách tham gia các hoạt động trải nghiệm tại thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa).

Em Trần Đỗ Mai Hoa, lớp 11A chia sẻ: "em rất vui khi được mặc áo dân tộc Cao Lan đến trường. Bên cạnh đó, chúng em còn được tham gia các buổi ngoại khóa, sinh hoạt tập thể trong trường giúp chúng em nhận thức sâu sắc về văn hóa của dân tộc mình".

Những nếp nhà sàn truyền thống cũng được đồng bào vùng ATK lưu giữ, bảo tồn, như một cách kết nối truyền thống của cha ông mình với nhịp sống hiện đại.  Ông Mai Văn Dần, thôn Đức Uy, xã Trung Sơn (Yên Sơn) chia sẻ, từ xa xưa ông bà luôn dặn dò con cháu giữ gìn kiến trúc của ngôi nhà sàn. Bởi nó phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa nếp sống người miền núi.

Bên cạnh đó, để giữ gìn và phát triển những ngôi nhà sàn truyền thống, các địa phương đã thực hiện quy hoạch, bảo tồn các làng văn hóa du lịch cộng đồng như: Thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương), thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa).

Ông Hoàng Văn Dự, thôn Tân Lập, xã Tân Trào khẳng định, mấy năm trước được Nhà nước hỗ trợ tiền và mẫu nhà, gia đình ông thêm tiền làm một ngôi nhà sàn khang trang. Giờ đây, làng Tân Lập hầu hết đều là nhà sàn, góp phần giữ gìn cảnh quan, phong tục tập quán và phục vụ phát triển du lịch.

Còn ông Sằm Văn Chu, dân tộc Tày, thôn Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) chia sẻ, có căn nhà sàn đẹp, gia đình làm dịch vụ homestay đón khách. Căn nhà rộng rãi, mát mẻ làm theo lối truyền thống được gia đình ông trưng bày những đồ dùng vật dụng xưa cũ của người Tày, phát triển thêm nghề đan truyền thống khiến du khách thích thú khám phá.

Qua bao năm tháng, An toàn khu "khoác" lên mình tấm áo mới, diện mạo mới đầy sức sống. Lẫn trong nhịp sống hiện đại, bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc vùng đất này đã tạo nên nét đẹp riêng cho vùng quê cách mạng.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục